Quy trình, thủ tục chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng
Quy trình, thủ tục chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng
I. SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ, THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG VÀ THÀNH LẬP THÀNH PHỐ THỦY NGUYÊN
1. Sự cần thiết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để đảm bảo sự đồng nhất của các đơn vị hành chính (ĐVHC) sau khi thực hiện sắp xếp về các yếu tố như: truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, quốc phòng, an ninh và hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội.
- Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã là cần thiết nhằm tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục, y tế. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần vào cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
- Việc sắp xếp các ĐVHC nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển; đảm bảo hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo theo tinh thần chủ trương của Đảng và Nhà nước.
2. Sự cần thiết thành lập các phường thuộc thành phố Thủy Nguyên
- Sự phát triển nhanh và tốc độ đô thị hóa tăng cao trên địa bàn các xã, thị trấn trong thời gian qua đã làm cho công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: dân cư, quy hoạch, xây dựng, môi trường, quốc phòng, an ninh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Mô hình chính quyền hiện nay trên nhiều mặt đã không còn phù hợp, hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn bộc lộ những mặt bất cập nhất định, như trong quản lý quy hoạch, định hướng phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, quản lý trật tự xây dựng, quản lý dân cư, an ninh trật tự. Việc thành lập các phường để tạo tiền đề nhằm thiết lập mô hình quản lý để phù hợp hơn và đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu khách quan và cấp thiết.
- Việc thành lập các phường, các xã là phù hợp với định hướng quy hoạch chung đô thị Thủy Nguyên; đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã khi thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng; góp phần hoàn thành mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 45-NQ/TW; hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn.
3. Sự cần thiết thành lập thành phố Thủy Nguyên
- Theo nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng được phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023, trong đó định hướng xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố với tính chất là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ.
- Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng huyện Thủy Nguyên hiện nay đang là đơn vị hành chính nông thôn, mô hình quản lý chính quyền không còn phù hợp và khó đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới và hiện trạng phát triển như hiện nay. Thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên để thiết lập chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện.
- Phát triển huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố Thủy Nguyên là hoàn toàn tương xứng với vị thế về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển của thành phố Hải Phòng trong giai đoạn mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận lợi tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch và phát huy các lợi thế sẵn có của huyện Thủy Nguyên; tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Thủy Nguyên nói riêng.
4. Sự cần thiết điều chỉnh địa giới tại khu vực đảo Vũ Yên thuộc quận Hải An về huyện Thủy Nguyên quản lý
Vũ Yên là một hòn đảo nằm phía Đông Bắc thuộc địa bàn xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên và phường Đông Hải 1, quận Hải An của thành phố Hải Phòng. Đảo Vũ Yên có diện tích tự nhiên 719 ha; nhưng nằm biệt lập hoàn toàn phía bên kia sông Cấm giáp ranh với xã Thủy Triều; đảo được bao bọc bởi 03 dòng sông: sông Bạch Đằng, sông Cấm và sông Ruột Lợn. Hiện chỉ có duy nhất tuyến giao thông đường bộ kết nối đảo Vũ Yên với huyện Thủy Nguyên qua cầu Vũ Yên 1 thuộc địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên. Trên khu vực đảo Vũ Yên hiện không có dân cư sinh sống, do vậy khi thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính sẽ không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.
Những năm gần đây, tập đoàn Vingroup đang đầu tư dự án khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái tại đảo Vũ Yên dẫn đến toàn bộ đường địa giới hành chính, phần đất liền trên đảo Vũ Yên bị phá vỡ, biến dạng; rất khó xác định đường địa giới hành chính giữa quận Hải An và huyện Thủy Nguyên trên thực địa. Do đó, điều chỉnh khu vực đảo Vũ Yên thuộc quận Hải An về huyện Thủy Nguyên quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính được rõ ràng, ổn định lâu dài và thuận lợi cho công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực đảo Vũ Yên thuộc địa bàn 01 đơn vị hành chính quản lý (huyện Thủy Nguyên).
Việc điều chỉnh khu vực tại đảo Vũ Yên đã đảm bảo theo quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ những lý do nêu trên, việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa phường Đông Hải 1, quận Hải An về xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên tại khu vực đảo Vũ Yên là cần thiết.
II. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CẤP XÃ, THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG VÀ THÀNH PHỐ THỦY NGUYÊN
1. Phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
1.1. Nhập toàn bộ 8,68 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.563 người của xã Gia Minh; toàn bộ 10,13 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.377 người của xã Gia Đức và toàn bộ 12,34 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.429 người của xã Minh Tân thành 01 xã mới.
Tên xã dự kiến sau khi sắp xếp: xã Bạch Đằng. Tổng số 31,15 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 23.369 người.
1.2. Nhập toàn bộ 14,90 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.177 người của xã Liên Khê và toàn bộ 11,55 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.139 người của xã Lại Xuân thành 01 xã mới.
Tên xã dự kiến sau khi sắp xếp: xã Liên Xuân. Tổng số 26,45 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 24.316 người.
1.3. Nhập toàn bộ 6,41 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.407 người của xã An Sơn; toàn bộ 8,29 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 11.149 người của xã Kỳ Sơn và toàn bộ 4,73 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.881 người của xã Phù Ninh thành 01 xã mới.
Tên xã dự kiến sau khi sắp xếp: xã Ninh Sơn. Tổng số 19,43 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 25.437 người.
1.4. Nhập toàn bộ 5,81 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 9.372 người của xã Hợp Thành; toàn bộ 5,61 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 11.425 người của xã Cao Nhân và toàn bộ 6,93 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 11.011 người của xã Chính Mỹ thành 01 xã mới.
Tên xã dự kiến sau khi sắp xếp: xã Quang Trung. Tổng số 18,35 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 31.808 người.
2. Phương án thành lập các phường thuộc thành phố
2.1. Dự kiến thành lập phường tại thị trấn Minh Đức
Thành lập phường Minh Đức trên cơ sở toàn bộ 15,96 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.880 người hiện có của thị trấn Minh Đức.
2.2. Dự kiến thành lập phường tại xã Hoa Động
Thành lập phường Hoa Động trên cơ sở toàn bộ 5,98 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.475 người hiện có của xã Hoa Động.
2.3. Dự kiến thành lập phường tại xã Thiên Hương
Thành lập phường Thiên Hương trên cơ sở toàn bộ 5,76 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.788 người hiện có của xã Thiên Hương.
2.4. Dự kiến thành lập phường tại xã Quảng Thanh
Thành lập phường Quảng Thanh trên cơ sở toàn bộ 5,72 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.935 người hiện có của xã Quảng Thanh.
2.5. Dự kiến thành lập phường tại xã Hòa Bình
Thành lập phường Hòa Bình trên cơ sở toàn bộ 7,16 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 14.026 người hiện có của xã Hòa Bình.
2.6. Dự kiến thành lập phường tại xã An Lư
Thành lập phường An Lư trên cơ sở toàn bộ 7,24 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 16.547 người hiện có của xã An Lư.
2.7. Dự kiến thành lập phường tại xã Ngũ Lão
Thành lập phường Phạm Ngũ Lão trên cơ sở toàn bộ 6,44 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 14.119 người hiện có của xã Ngũ Lão.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Phạm Ngũ Lão.
2.8. Dự kiến thành lập phường tại xã Lập Lễ
Thành lập phường Lập Lễ trên cơ sở toàn bộ 11,90 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 14.366 người hiện có của xã Lập Lễ.
2.9. Dự kiến thành lập phường tại xã Tam Hưng
Thành lập phường Tam Hưng trên cơ sở toàn bộ 7,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.122 người hiện có của xã Tam Hưng.
2.10. Dự kiến thành lập phường tại xã Tân Dương và xã Dương Quan
Nhập toàn bộ 4,60 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 11.615 người hiện có của xã Tân Dương và toàn bộ 7,58 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 10.597 người hiện có của xã Dương Quan thành 01 phường mới.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Dương Quan. Tổng số 12,19 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 22.212 người.
2.11. Dự kiến thành lập phường tại xã Lâm Động và xã Hoàng Động
Nhập toàn bộ 4,25 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.223 người hiện có của xã Lâm Động và toàn bộ 5,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 9.154 người hiện có của xã Hoàng Động thành 01 phường mới.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Hoàng Lâm. Tổng số 9,95 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 15.377 người.
2.12. Dự kiến thành lập phường tại xã Kiền Bái và xã Mỹ Đồng
Nhập toàn bộ 4,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.894 người hiện có của xã Kiền Bái và toàn bộ 3,25 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.704 người hiện có của xã Mỹ Đồng thành 01 phường mới.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Lê Hồng Phong. Tổng số 7,95 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 20.598 người.
2.13. Dự kiến thành lập phường tại xã Đông Sơn và xã Kênh Giang
Nhập toàn bộ 4,71 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.372 người hiện có của xã Đông Sơn và toàn bộ 7,24 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 11.692 người hiện có của xã Kênh Giang thành 01 phường mới.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Trần Hưng Đạo. Tổng số 11,96 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 19.064 người.
2.14. Dự kiến thành lập phường tại xã Lưu Kỳ và xã Lưu Kiếm
Nhập toàn bộ 4,43 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 3.032 người hiện có của xã Lưu Kỳ và toàn bộ 10,52 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 13.092 người hiện có của xã Lưu Kiếm thành 01 phường mới.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Lưu Kiếm. Tổng số 14,96 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 16.124 người.
2.15. Dự kiến thành lập phường tại thị trấn Núi Đèo, xã Thủy Sơn và xã Thủy Đường
Nhập toàn bộ 1,04 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.155 người hiện có của thị trấn Núi Đèo; toàn bộ 3,64 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 9.343 người hiện có của xã Thủy Sơn và toàn bộ 5,16 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 15.004 người hiện có của xã Thủy Đường thành 01 phường mới.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Thủy Đường. Tổng số 9,84 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 30.502 người.
2.16. Dự kiến thành lập phường tại xã Trung Hà, xã Thủy Triều và điều chỉnh 7,19 km2 của phường Đông Hải 1, quận Hải An về xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên.
Nhập toàn bộ 4,15 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.440 người hiện có của xã Trung Hà; toàn bộ 11,63 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.947 người hiện có của xã Thủy Triều và điều chỉnh 7,19 km2 diện tích tự nhiên khu vực đảo Vũ Yên tại phường Đông Hải 1, quận Hải An thành 01 phường mới.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Thủy Hà. Tổng số 22,98 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 20.387 người.
2.17. Dự kiến thành lập phường tại xã Phục Lễ và xã Phả Lễ
Nhập toàn bộ 5,89 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.954 người hiện có của xã Phục Lễ và toàn bộ 4,51 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 8.697 người hiện có của xã Phả Lễ thành 01 phường mới.
Tên phường dự kiến sau khi thành lập: phường Nam Triệu Giang. Tổng số 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 16.651 người.
3. Phương án thành lập thành phố Thủy Nguyên
Thành lập thành phố Thủy Nguyên trên cơ sở toàn bộ 261,91 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số 382.103 người hiện có của huyện Thủy Nguyên và phần điều chỉnh 7,19 km2 diện tích tự nhiên khu vực đảo Vũ Yên tại phường Đông Hải 1 thuộc quận Hải An.
Thành phố Thủy Nguyên sau khi thành lập có 269,10 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số là 382.103 người; có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 17 phường và 04 xã.
III. CÁC NHIỆM VỤ LIÊN QUAN ĐẾN QUY HOẠCH, PHÂN LOẠI VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THỦY NGUYÊN
1. Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên đến năm 2045
- Lập bản đồ khảo sát địa hình: Đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, nghiệm thu tại Công văn số 6176/STNMT-ĐĐBĐVT ngày 30/11/2023.
- Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên: Ngày 16/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045 tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg.
- Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên: Ngày 14/12/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và các Sở ngành đã nghe báo cáo phương án quy hoạch chung đô thị Thủy Nguyên đến năm 2045.
Huyện đã đăng tải thông báo mời thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch, dự kiến lựa chọn đơn vị tư vấn trong tuần cuối tháng 3 năm 2024.
2. Hoàn thiện hồ sơ, Chương trình phát triển đô thị Thủy Nguyên, Đề án phân loại đô thị Thủy Nguyên đạt tiêu chí đô thị loại III, báo cáo rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng các khu vực dự kiến thành lập các phường thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên:
- Kết quả rà soát: toàn bộ phạm vi dự kiến hình thành, phát triển đô thị Thủy Nguyên đã đạt được 54/63 tiêu chí, tiêu chuẩn với mức điểm đạt 85,03/75 (điểm tối thiểu yêu cầu).
- Về danh mục dự án hoàn thiện tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập phường: huyện đề xuất danh mục gồm 21 Dự án đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến 631,9 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 4338/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 về việc giao kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2024 cho huyện.
3. Tổ chức lập các Quy hoạch phân khu đô thị Thủy Nguyên:
Huyện đã có Văn bản số 278/UBND-KT&HT ngày 29/01/2024 gửi Sở Xây dựng, số 346/UBND-KT&HT ngày 05/02/2024 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập bản đồ khảo sát địa hình tỷ lệ 1/2000 và dự toán chi phí lập Nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị mới Thuỷ Nguyên.